Chăm sóc trẻ sơ sinh 2 tháng tuổi như thế nào mới đúng cách để con phát triển khỏe mạnh là nỗi băn khoăn của rất nhiều người lần đầu làm cha mẹ.

Trong bài viết này, ReviewTietKiem sẽ tổng hợp những kiến thức cần thiết để có thể giúp bạn chăm sóc bé 2 tháng tuổi một cách tốt nhất.
Theo dõi sự phát triển của trẻ sơ sinh 2 tháng tuổi như thế nào?
Trẻ sơ sinh 2 tháng tuổi phát triển rất nhanh và có nhiều thay đổi rõ rệt trong giai đoạn này. Trong tháng thứ hai, cân nặng của trẻ thường tăng khoảng 150 - 200 gram/tuần.
Tuy nhiên, nếu chỉ số cân nặng của bé cưng tăng nhiều trong tuần này nhưng không tăng hoặc giảm trong tuần kế tiếp thì bạn cũng đừng quá lo lắng. Cân nặng chỉ là một trong những chỉ số đánh giá sự tăng trưởng của bé. Ngoài ra còn có những yếu tố khác cũng thể hiện quan trọng không kém như: chiều cao, vòng đầu, tình trạng sức khỏe nói chung, giấc ngủ…

Bạn không nên theo dõi cân nặng của bé từng tuần riêng biệt mà hãy nhìn vào sự phát triển của con trong thơi gian vài tuần liên tiếp.
Lưu ý: Chỉ nên kiểm tra trọng lượng của bé mỗi khi đưa bé đi khám sức khỏe hoặc vài tuần một lần. Tránh cân quá thường xuyên để không phải gặp áp lực chuyện cân nặng của con.
Bảng cân nặng chuẩn Bé gái – Bé trai theo WHO
Giai đoạn từ 0 - 12 tháng tuổi là giai đoạn phát triển vô cùng quan trọng của trẻ mà các bố mẹ cần đặc biệt chú ý và theo dõi.

Ghi chú: SD là viết tắt của từ standard deviation, tức là sự lệch chuẩn.
WHO đánh dấu:
-SD: lệch chuẩn dạng thiếu cân
TB: Đạt mức trung bình
+SD: lệch chuẩn dạng thừa cân
Tuy nhiên, từ -1SD đến +1SD được xem là phát triển bình thường. Còn < -2SD hoặc > +2SD là có nguy cơ thiếu hoặc thừa cân.
Em bé 2 tháng tuổi nặng bao nhiêu kg là vừa?

Riêng tại Việt Nam, theo bảng chiều cao cân nặng tiêu chuẩn của trẻ sơ sinh được khuyến cáo ở trên, cân nặng ở mức trung bình của trẻ sơ sinh 2 tháng tuổi là 4,5 – 5,8 kg (đối với bé gái) và 4,9 - 6,3 kg (đối với bé trai). Tương ứng với chiều cao của bé gái đạt từ 55 – 59,1 cm và bé trai đạt từ 56,4 – 60,4 cm.
Trẻ 2 tháng tuổi biết làm gì – những hành vi thú vị

- Thân hình: Bé cứng cáp hơn so với tháng trước. Tay chân biết cử động và đạp mạnh hơn. Đôi khi cơ thể bé cũng rướn lên mỗi khi bé thích.
- Trí não: Bé 2 tháng tuổi đã có thể nhận ra mẹ, có những biểu hiện phấn khích như: đạp tay, đạp chân mạnh mẽ. Bé còn biết nhìn theo hướng đồ vật mà bé thích.
- Thính giác: Giai đoạn này bé đã bắt đầu có những phản ứng với âm thanh. Bé thích thú và thường hướng mắt theo những đồ vật phát ra tiếng động.
- Ngôn ngữ: Thời gian này bé chưa biết nói nhưng ngôn ngữ đã bắt đầu hình thành. Bé sẽ la, ọ ẹ lên và đập tay, đập chân mỗi khi thích thú.
- Phun nước bọt: bé cũng hay phun nước bọt phì phèo giống như những chú cua hay làm.
- Thị giác: Trong giai đoạn này, tuy bé chưa thật sự phân biệt được nhiều nhưng bé cũng đã dần nhận ra sự thay đổi xung quanh và nhìn theo hướng có sự chuyển động.
- Cân nặng – chiều cao: Các bố mẹ nên tham khảo thêm bảng chiều cao cân nặng tiêu chuẩn của trẻ sơ sinh (đã được đề cập phía trên) để biết các chỉ số cần thiết cho sự phát triển của con mình nhé!
- Giấy ngủ: Khoảng thời gian này, bé ngủ rất nhiều và có thể ngủ bất cứ đâu. Bé thường hay có dấu hiệu buồn ngủ sau khi ăn.
>>> Tìm hiểu thêm: [Review] Top 7 ghế ăn dặm tốt nhất – Nên mua ghế ăn dặm loại nào?
Các hoạt động giúp kích thích sự phát triển của trẻ sơ sinh 2 tháng tuổi

Bạn hãy thử các hoạt động sau đây khi bé được 2 tháng tuổi, điều này có thể giúp em bé của bạn phát triển một cách tốt nhất:
- Hát cho bé nghe: Hoạt động này tuy đơn giản nhưng có thể giúp bé phát triển kỹ năng nghe và hiểu ngôn ngữ.
- Cùng bé đung đưa theo nhạc: điều này giúp gắn kết tình cảm và phát triển kỹ năng lắng nghe của trẻ. Bạn có thể mở những bài nhạc nhẹ với mức âm lượng vừa phải, bế áp bé vào ngực và nhẹ nhàng đung đưa theo nhạc.
- Chơi đồ chơi với bé: Bạn đặt những món đồ chơi đầy màu sắc hoặc thú nhồi bông trong tầm nhìn của bé. Thu hút sự chú ý của bé bằng cách di chuyển từ từ các món đồ từ bên này sang bên kia. Hoạt động này giúp phát triển thị giác và khả năng quan sát của con bạn rất nhiều.
- Massage cho bé: Việc làm này có thể làm cho bé cảm thấy rất thoải mái và cảm nhận được sự tiếp xúc của bố mẹ hay người chăm sóc. Bạn hãy massage nhẹ bàn tay, bàn chân, cánh tay và bụng của bé. Hoặc có thể nâng nhẹ chân bé lên và di chuyển chân bé như động tác đạp xe.
- Đọc sách cho bé nghe: Tuy trong thời gian này, bé có thể không hiểu một từ nào trong sách nhưng bạn vẫn nên đọc sách cho con nghe. Bạn nên chọn sách có hình ảnh, màu sắc sinh động, vừa đọc vừa chỉ vào các từ và hình ảnh cho bé xem. Điều này sẽ giúp kích thích sự tập trung và phát triển kỹ năng nhận thức của con bạn.
Một số điều cần tránh khi chăm sóc trẻ sơ sinh 2 tháng tuổi

- Khi chăm sóc trẻ sơ sinh 2 tháng tuổi, bạn nên tránh các tác động mạnh lên bé. Vì trong giai đoạn này, bé chưa phát triển hoàn thiện các giác quan.
- Không để ánh sáng mạnh từ mặt trời, từ ánh đèn chiếu trực tiếp vào mắt con. Nếu bạn có thói quen chụp ảnh để lưu giữ khoảnh khắc bé yêu thì nên tránh sử dụng ánh sáng đèn. Điều đó có thể ảnh hưởng không tốt đến sự phát triển thị giác của bé.
- Hạn chế các âm thanh lớn ảnh hưởng tới bé. Bạn nên cho bé ở nơi cách âm tốt, yên tĩnh sẽ tốt hơn cho giấc ngủ của bé.
- Trẻ sơ sinh 2 tháng tuổi nên được nuôi hoàn toàn bằng sữa mẹ. Không nên cho bé uống sữa bò, những loại nước có ga, nước trà,...
- Trong tháng thứ 2 này, nguồn dinh dưỡng của trẻ chỉ đến từ mẹ. Vì thế mẹ không nên ăn kiêng để tránh việc mất cân bằng dinh dưỡng ảnh hưởng đến sự phát triển của bé .
Biểu hiện tính tình của trẻ sơ sinh 2 tháng tuổi
Bé 2 tháng tuổi trở nên quấy khóc nhiều hơn, có thể chẳng vì lý do gì cả. Làm cho hầu hết các bố mẹ cảm thấy lo lắng khi bé khóc quá nhiều nhưng không có cách nào giải quyết.

Nếu bạn đã đáp ứng các nhu cầu của con như thay tã, bế ẵm, cho bú, tắm mát… nhưng bé vẫn khóc thì nguy cơ cao là bé bị hội chứng Colic làm phiền.
Một nguyên nhân khác là hệ thần kinh của bé cũng đang phát triển nên có thể bé cảm thấy an ủi khi khóc. Trong khoảng thời gian này, sẽ có những lần bạn phải để ý và tốt nhất bạn nên làm theo bản năng của mình để đáp ứng các nhu cầu của bé.
Nếu những nhu cầu đó của con là đúng thì bạn có thể âu yếm, ôm vỗ về, dỗ dành bé, cho bé da kề da rồi sau đó làm cho bé thấy dễ chịu hơn. Nhiều bé cần được bố mẹ trấn an và ngửi mùi quen thuộc của mẹ để bình tĩnh lại.
Các vấn đề sức khỏe cần quan tâm ở bé 2 tháng tuổi
Một số bệnh thường gặp ở trẻ sơ sinh 2 tháng tuổi và cách xử lý mà bố mẹ nên biết để đảm bảo con phát triển tốt nhất.
1. Hắt hơi
Mới 2 tháng nên đường hô hấp non nớt của bé rất dễ bị mẫn cảm với các chất kích thích, bụi bẩn có trong không khí. Hãy đảm bảo bé luôn ở trong môi trường sạch sẽ, thoáng và không có bụi bẩn, chất kích thích hay lông chó, lông mèo.

Nếu bé ngạt mũi, bạn có thể sử dụng nước nhỏ mũi cho trẻ sơ sinh. Tuy nhiên, phải tuân thủ đúng cách sử dụng và thời gian sử dụng.
- Chú ý: Nếu gặp phải tình trạng bé bị ngạt mũi, hắt hơi quá nhiều thì bạn cần đưa bé đi gặp bác sĩ để kiểm tra sức khỏe cho bé và nên thường xuyên vệ sinh nơi bé ở.
2. Tưa miệng

Nếu trong miệng con có những mảng trắng khó lau ở hai bên trong má và lưỡi thì có thể bé bị tưa miệng. Có thể là do thuốc kháng sinh hay bé bị nhiễm virus...Bố mẹ nên đưa bé đi khám để bác sĩ chẩn đoán tình trạng và đưa ra cách xử lý phù hợp nhất.
3. Mụn
Trẻ sơ sinh 2 tháng tuổi có thể bị mụn trứng cá, bong tróc, mẩn đỏ ở mặt, lưng, chân tay và thậm chí toàn thân, hoặc bị khô da,.. bạn có thể sử dụng thêm một số loại kem theo chỉ dẫn của bác sĩ. Nên giữ không khí trong lành, luôn dịu mát. Nếu tình trạng bé bị mụn nhiều và bạn cảm thấy lo lắng thì nên đưa con đi khám bác sĩ.
4. Trào ngược dạ dày

Bé bú sữa thường hay nằm và bú quá no gây nên xảy ra hiện tượng này. Cách xử lý đơn giản là bạn nên chia nhỏ bữa bú và tránh cho bé bú quá no. Ngoài ra, bạn không nên quấn tã quá chặt, không bế xốc mạnh bé khi vừa bú xong.
Nếu triệu chứng này xảy ra quá nhiều lần kèm theo những dấu hiệu như rối loạn giấc ngủ, bé chậm tăng cân, nôn ra máu, viêm phổi tái phát nhiều lần thì nên đưa bé đi gặp bác sĩ ngay.
5. Ống dẫn nước mắt bị tắc nghẽn
Dấu hiệu của tắc nghẽn ống dẫn nước mắt là mắt bé bị ghèn vầ chảy nước mắt nhiều nhưng mắt không đỏ hay kích thích, có dịch mờ đục hoặc có màu vàng trong nước mắt. Trường hợp này bạn nên đưa bé đi gặp bác sĩ để có được chẩn đoán và xử lý phù hợp nhất cho bé.
6. Trẻ sơ sinh bị ho

Bé ho nhiều và thường xuyên có thể do nhiều nguyên nhân như cảm lạnh, bị bệnh hen suyễn, viêm phế quản... Trẻ sơ sinh 2 tháng tuổi bị ho, bạn không nên tự xử lý tại nhà rất nguy hiểm, hãy đưa bé đến bác sĩ để được chẩn đoán và chữa trị kịp thời.
7. Bé ngủ hay vặn mình, gồng mình
Nếu bé không có những biểu hiện như sốt, bỏ bú, quấy khóc, tụt cân...thì bạn chỉ cần vỗ về, ỗ dành bé và nới lỏng tã bỉm để bé có giấc ngủ thoải mái. Nếu bé ngủ hay gồng mình, vặn mình và có triệu chứng nôn, sốt, bỏ bú, trớ, tụt cân...thì bạn cần phải đưa bé đi khám bác sĩ ngay.
8. Bị nấc cụt

Nấc cụt ở trẻ sơ sinh là hiện tượng rất hay gặp nhưng đến nay vẫn chưa tìm ra nguyên nhân chính xác. Nấc cụt ở trẻ sơ sinh 2 tháng tuổi thường vô hại và sẽ mất đi khi con lớn lên. Nhưng nếu bé nấc cụt kèm theo biểu hiện như nôn, khó ngủ, hay giật mình, đổ mồ hôi nhiều và chậm tăng cân...thì rất đáng lo ngại và cần đưa đi khám bác sĩ để đảm bảo cho con tăng trưởng khỏe mạnh.
Chăm sóc trẻ sơ sinh 2 tháng tuổi đúng cách giúp bé tăng trưởng tốt
Chăm sóc
- Giữ các đồ vật nhỏ và đồ chơi cách xa em bé để tránh trường hợp bị ngạt vì con có thể bỏ vào miệng.
- Cần đảm bảo bé không ở gần bề mặt có nhiều góc, cạnh hay vật nguy hiểm… vì khả năng vận động của bé đang tăng lên.
- Không để thú cưng lại gần em bé, bởi hệ miễn dịch của bé chưa phát triển hoàn chỉnh. Vì thế, con rất dễ bị dị ứng và nhiễm ký sinh trùng…
Chế độ ăn của trẻ sơ sinh 2 tháng tuổi

- Khi bước vào tháng này, con của bạn có thể sẽ có những biểu hiện đòi ăn nhiều hơn. Bạn nên chiều theo ý bé và cho bé ăn khi nào bé muốn.
- Có lúc bé sẽ cần cho bú cả ban đêm, nhưng do những tuần này bé ngủ nhiều nên mỗi lần cho bú như thế có thể cách nhau 5-6 tiếng đồng hồ.
Giấc ngủ của trẻ 2 tháng tuổi

- Trong tháng thứ 2 này, bé vẫn cần rất nhiều thời gian để ngủ. Tùy vào mỗi bé tổng thời gian ngủ trung bình từ 9 - 18 tiếng/ngày. Trẻ sơ sinh 2 tháng tuổi thường sẽ có trung bình mỗi ngủ mỗi giấc dài từ 1 - 3 tiếng và thường hay có dấu hiệu buồn ngủ khoảng 30 phút đến 1 tiếng sau khi ăn.
- Theo Healthline, ước tính có khoảng 10% đến 26% trẻ sơ sinh mắc hội chứng Colic khiến trẻ hay quấy khóc và thiếu ngủ. Vì vậy, bạn nên theo dõi sức khỏe của bé thật kỹ để có thể xử lý kịp thời giúp bé phát triển tốt.
- Mỗi ngày bạn nên cho bé phơi nắng buổi sáng để tổng hợp vitamin D, phòng ngừa còi xương ở bé đồng thời còn giúp bé ngủ ngon hơn.
Tiêm chủng ngừa cho trẻ sơ sinh 2 tháng tuổi

- Bé cưng của bạn không nên bỏ sót mũi vắc xin nào vì mũi nào cũng quan trọng trong giai đoạn này. Nó sẽ bảo vệ con bạn khỏi những căn bệnh nguy hiểm.
- Nơi bạn ở sẽ các trung tâm y tế tiêm phòng miễn phí vào một ngày nhất định của tháng, vì thế bạn có thể đưa bé đến đó để tiêm hoặc đến bác sĩ riêng nếu cần. Khi đi nhớ mang theo sổ tiêm phòng vắc xin cho trẻ, điều này sẽ giúp bạn dễ dàng ghi nhớ ngày tiêm và ngày cần tiêm mũi nhắc lại cho bé lần tới.
- Trẻ sơ sinh 2 tháng tuổi cần được tiêm vắc xin ngừa một số bệnh như viêm gan B, viêm não do Hib, bạch hầu, uốn ván, ho gà, bại liệt. Do đó, bạn cần đưa bé đi khám sức khỏe định kỳ để được tiêm chủng đầy đủ.
Trên đây là các thông tin cần biết về trẻ sơ sinh 2 tháng tuổi. ReviewTietKiem hy vọng bài viết này sẽ giúp bạn giảm bớt nỗi băn khoăn, lo lắng và nuôi dưỡng bé một cách tốt nhất để bé được phát triển khỏe mạnh!
Xem thêm
- Hình ảnh thai 7 tuần tuổi phát triển như thế nào? Thai 7 tuần đã có tim thai chưa?
- Sách thai giáo cho mẹ bầu để mẹ vui khỏe, con lớn khôn
- 9 cách trị nghẹt mũi cho bé tại nhà hiệu quả, an toàn
- Cách sử dụng nha đam tươi làm đẹp – Nha đam có làm trắng da không?
- Cách sử dụng máy rửa mặt hiệu quả – Mỗi ngày nên rửa mặt mấy lần?