Mốc khám thai quan trọng là điều mà rất nhiều chị em phụ nữ đang mang bầu quan tâm, đặc biệt là đối với những ai lần đầu làm mẹ. Sau đây, ReviewTietkiem sẽ chia sẻ một số thông tin hữu ích về vấn đề này cũng như lịch khám thai định kỳ cho bà bầu.

Khám thai là làm những gì?

Tuy mỗi phòng khám và bệnh viện sẽ có một quy trình khám thai khác nhau nhưng nhìn chung sẽ bao gồm 4 hạng mục sau:

Khám toàn diện sức khoẻ của mẹ bầu

Ở hạng mục này, mẹ bầu sẽ được kiểm tra về nhịp tim, hô hấp, đo huyết áp, cân nặng và chiều cao. Các số liệu trên sẽ được ghi lại để theo dõi sự thay đổi (nếu có) trong suốt quá trình mang bầu.

mốc khám thai quan trọng

Siêu âm thai

Siêu âm đóng vai trò rất quan trọng trong việc đánh giá sự phát triển của thai nhi. Ở các mốc siêu âm quan trọng, ba mẹ sẽ được các bác sĩ siêu âm 4D để kịp thời phát hiện sớm những dị tật bất thường (nếu có) cũng như ghi lại những khoảnh khắc đáng yêu của bé khi ở trong bụng mẹ.

Xét nghiệm máu và nước tiểu

Các xét nghiệm này giúp phát hiện các bệnh như tiểu đường thai kỳ, viêm gan B, bệnh lây truyền qua đường tình dục…

Bác sĩ tư vấn

Sau khi kiểm tra các kết quả siêu âm và xét nghiệm, bác sĩ sẽ giải đáp cho mẹ bầu những thắc mắc cũng như tư vấn về chế độ sinh hoạt, dinh dưỡng trong từng giai đoạn thai kỳ giúp mẹ bầu yên tâm và khoẻ mạnh hơn.

Khám thai định kỳ đóng vai trò quan trọng như thế nào?

Khám thai định kỳ có ý nghĩa quan trọng bởi:

  • Mẹ bầu sẽ biết được sự phát triển của em bé từ đó có những thay đổi trong chế độ ăn uống và sinh hoạt, giúp thai nhi khoẻ mạnh toàn diện.
  • Các bác sĩ sẽ có những thăm khám và tư vấn kịp thời để cả mẹ và bé có được một thai kỳ thuận lợi.
  • Khám thai định kỳ sẽ giúp phát hiện sớm những bất thường của thai nhi và thai phụ, từ đó có hướng giải quyết hiệu quả.
  • Hạn chế được những rủi ro về thai lưu hoặc những cơn gò bất thường.
tầm quan trọng của khám thai định kỳ

3 mốc khám thai quan trọng nhất của thai kỳ

Mỗi thai phụ khác nhau sẽ có các mốc siêu âm thai khác nhau. Tuy nhiên, dù khám thường xuyên hay định kỳ thì các mẹ bầu cũng phải ghi nhớ 3 mốc quan trọng dưới đây.

Khám định kỳ ở tuần thai thứ 12

Tại thời điểm tuần thứ 12 của thai kỳ, các bác sĩ sẽ tiến hành siêu âm để đo độ mờ da gáy cho thai nhi. Đồng thời, thai phụ cũng được chỉ định làm xét nghiệm Double test để loại trừ khả năng trẻ mắc các bệnh về nhiễm sắc thể hoặc bệnh down.

Do kết quả siêu âm chỉ chính xác trong khoảng thời gian từ tuần 11 đến tuần 13 nên nếu mẹ bầu bỏ lỡ mốc khám thai này sẽ đồng nghĩa với việc mất đi những cơ hội để can thiệp sớm trong trường hợp có rủi ro xảy ra.

Ngoài ra, bác sĩ cũng sẽ phát hiện được một số các bệnh của trẻ như thai vô sọ, không xương mũi… khi thăm khám ở tuần thai này.

Khám thai và siêu âm thai ở tuần thứ 22

Vào tuần thứ 22, thai nhi đã phát triển đầy đủ các bộ phận và có hình dáng của một em bé sơ sinh. Trọng lượng của thai nhi ở tuần tuổi này khoảng 450g và dài khoảng 30cm. Chính vì trọng lượng và kích thước chưa quá lớn nên bé yêu vẫn có thể thoả thích “bơi lội” trong khoang bụng của mẹ.

Đây là thời điểm các bác sĩ quan sát thai nhi để loại trừ nguy cơ mắc những bệnh về tim bẩm sinh, sứt môi, hở hàm ếch, thừa, thiếu ngón tay…

mốc khám thai quan trọng nhất

Thăm khám thai tại tuần 32

Ngoài việc kiểm tra về ngôi thai, nhau thai, lượng nước ối, khung xương chậu của người mẹ để dự đoán về thời điểm em bé ra đời, các bác sĩ còn đưa ra những lời khuyên hữu ích và tư vấn về các lớp học tiền sản để ba mẹ có sự chuẩn bị tốt nhất cho bé yêu chào đời.

Đây cũng là thời điểm bác sĩ phát hiện ra một số bệnh về tim mà ở tuần 22 chưa khẳng định được. Tuy nhiên, các bác sĩ sẽ không đình chỉ thai ở tuần thứ 32 mà việc phát hiện này chỉ nhằm mục đích giúp gia đình có những chuẩn bị kỹ càng hơn cho việc sinh và điều trị của bé sau này.

Lịch khám thai 3 tháng cuối

Trong thời gian này, mẹ bầu sẽ có những thay đổi cả về cân nặng, sức khoẻ và cảm xúc. Mẹ đã bắt đầu tăng cân nhanh hơn, mệt mỏi nhiều hơn và cũng rất dễ cáu gắt. Vì vậy, việc khám thai trong 3 tháng cuối của thai kỳ sẽ giúp đánh giá tổng thể về sức khoẻ của mẹ và bé. Từ đó, mẹ bầu sẽ có những chuẩn bị tốt nhất cho cuộc vượt cạn sắp tới của mình.

lịch khám thai ba tháng cuối

Từ tuần thứ 28 đến tuần thứ 32: khám thai 1 lần

Các bác sĩ sẽ tiến hành khám thai như sau:

  • Thăm khám tổng thể: Thai phụ được đo huyết áp, cân nặng, chiều cao, đo vòng bụng và nghe tim thai.
  • Xét nghiệm nước tiểu để phát hiện các bệnh như tiểu đường, bệnh thận, nhiễm trùng nước tiểu… từ đó có phương án điều trị thích hợp.
  • Siêu âm thai nhi để xác định được ngôi thai, vị trí nhau bám, độ trưởng thành bánh nhau, các chỉ số về cân nặng, chiều dài, vòng đầu, chiều dài xương đùi, vòng bụng của thai nhi.
  • Ngoài ra, mẹ bầu cần phải tiêm phòng đầy đủ 2 mũi uốn ván (mỗi mũi cách nhau 1 tháng và mũi thứ 2 cách ngày dự sinh 1 tháng) để phòng ngừa uốn ván cho cả mẹ và thai nhi.

Từ tuần 32 đến tuần 36: 2 tuần/lần

Bác sĩ tiếp tục thăm khám mẹ bầu ở các hạng mục như khám tổng thể, xét nghiệm nước tiểu và siêu âm thai. Việc này nhằm đánh giá sức khoẻ của mẹ và sự phát triển của thai nhi so với các tuần tuổi trước.

Nếu có sự chỉ định từ bác sĩ, mẹ bầu có thể phải tiến hành làm xét nghiệm NST để kiểm tra lượng oxy cung cấp cho thai nhi có đầy đủ hay không.

Từ 36 đến 39 tuần tuổi: khám 1 tuần/lần

Ngoài việc khám tổng thể, xét nghiệm nước tiểu và siêu âm, mẹ bầu còn được các bác sĩ kiểm tra cổ tử cung và các dấu hiệu sắp sinh. Đồng thời, mẹ bầu cũng tầm soát các vấn đề bệnh lý như tiền sản giật, huyết áp tăng…

Từ tuần 39 trở đi: 3 ngày/lần

Từ tuần 39 các bác sĩ sẽ tiến hành theo dõi các cơn co tử cung và nhịp tim thai nhi bằng máy monitor để tìm các dấu hiệu chuyển dạ đồng thời tư vấn phương pháp sinh phù hợp cho thai phụ.

Một số lưu ý trong quá trình khám thai

Mẹ bầu cần lưu ý một số vấn đề sau đây để quá trình khám thai hiệu quả hơn:

các mốc siêu âm thai

Nên mặc trang phục thoải mái

Nếu siêu âm đầu dò, mẹ bầu nên ưu tiên mặc những chiếc váy xuông hoặc co giãn.  Ngược lại, mẹ hãy lựa chọn những chiếc quần cạp cao nếu chỉ siêu âm bụng.

Uống nước nhiều hoặc đi vệ sinh trước khi siêu âm

Để dễ dàng quan sát thai nhi trong ba tháng đầu, bác sĩ sẽ yêu cầu mẹ phải uống nhiều nước để bàng quang căng và đẩy tử cung lên cao. Tuy nhiên, từ tháng thứ 5 trở đi, việc để bàng quang trống sẽ giúp các bác sĩ siêu âm dễ dàng hơn.

Các hồ sơ trong quá trình khám thai

Thai phụ nên mang kết quả khám thai của từng lần để các bác sĩ theo dõi những thay đổi về sức khỏe. Ngoài ra, mẹ bầu cũng cần có giấy xác nhận khám thai từ các cơ sở y tế để được tính lương nghỉ phép nếu tham gia bảo hiểm xã hội.

Hi vọng những chia sẻ về các mốc khám thai quan trọng ở trên sẽ giúp ba mẹ có những sự chuẩn bị tốt nhất cho con yêu chào đời. Chúc các bạn vui vẻ!


Bài viết liên quan

Vì sao trẻ sơ sinh bị nấc? Nguyên nhân và cách khắc phục

Vì sao trẻ sơ sinh bị nấc? Nguyên nhân và cách khắc phục

Cách vệ sinh nồi chiên không dầu đơn giản tại nhà

Cách vệ sinh nồi chiên không dầu đơn giản tại nhà

Có nên mua máy lọc không khí? Máy lọc không khí có tác dụng gì?

Có nên mua máy lọc không khí? Máy lọc không khí có tác dụng gì?